Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Để không còn chồng chéo

Với việc có 104 Luật, Bộ luật có các quy phạm liên quan, trong đó có 5 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với các nội dung trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật của Bộ KH&CN được kỳ vọng sẽ giải quyết các bất cập và góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức rào cản kỹ thuật trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực cạnh tranh như hiện nay.

thu nghiem nuoc uong dong chai
Mẫu nước đóng chai tại Phòng Thử nghiệm Môi trường của QUATEST 3. Ảnh: QT3

Các vụ cháy xảy ra gần đây ở Việt Nam không chỉ khiến cho các vấn đề về phòng cháy, chữa cháy được dư luận quan tâm hơn mà nó còn cho thấy các vấn đề về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan có tác động như thế nào đến đời sống thường nhật. Theo Báo cáo Kết quả rà soát Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Luật TC&QCKT) với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Luật Phòng cháy và chữa cháy cũng là một trong năm luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Vậy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện nay đang có những bất cập gì và sẽ được sửa đổi như thế nào để hỗ trợ hiệu quả hơn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định, xây dựng, triển khai các chính sách công và các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những thách thức rào cản kỹ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay?

Chưa đầy đủ và chồng chéo

Ra đời năm 2006 trong bối cảnh Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật không chỉ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ở Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy năng suất chất lượng, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, sau 17 năm thi hành, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong những năm gần đây. “Các hiệp định thương mại thế hệ mới có nhiều quy định sâu hơn về công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn, đòi hỏi chúng ta phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật”, ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) phát biểu trong hội thảo góp ý hồ sơ xây dựng dự thảo Luật do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) tổ chức vào ngày 26/10.

Cụ thể, theo tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong khuôn khổ WTO, APEC, ASEAN…, thời gian qua Việt Nam đã ký kết các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP…) với các quy định, cam kết sâu, mở rộng hơn trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Trong các FTA thế hệ mới đều có điều khoản quy định về nghĩa vụ minh bạch hóa liên quan đến xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp nhằm loại bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại. “Luật TC&QCKT đã đưa ra các nguyên tắc chung về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hợp tác quốc tế, đồng thời, các điều khác của Luật đã lồng ghép các quy định, cam kết về minh bạch hóa, hoạt động thông báo, hỏi đáp về quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp. Tuy nhiên, các quy định này còn ở mức cơ bản, chỉ phù hợp với thời điểm năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO, khi quy mô hợp tác kinh tế quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất quốc tế, khu vực chưa sâu rộng như hiện nay”, theo phân tích trong tờ trình.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự án sửa luật là việc bổ sung quy định về Tổ chức công nhận quốc gia, Hội đồng công nhận quốc gia. Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, hoạt động công nhận là một phần quan trọng nhất của một quốc gia để đảm bảo chất lượng, năng lực và sự tin cậy của hệ thống đánh giá sự phù hợp – đảm bảo chất lượng của hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, chứng nhận và giám định, tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, hoạt động công nhận vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là văn bản nền tảng, cơ sở tiên quyết cho hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, chứng nhận, giám định), tuy nhiên, hiện nay, quy định về khái niệm, nguyên tắc chung, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp giữa Luật TC&QCKT và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa thống nhất, gây bất cập, khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và doanh nghiệp. “Hoạt động công nhận tại Việt Nam dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, hoạt động công nhận hiện nay tương đối độc lập, chưa thống nhất một chương trình đánh giá đồng bộ, sự phối hợp, thừa nhận kết quả của nhau rất hạn chế, gây tốn kém cho doanh nghiệp, chưa đảm bảo được sự thống nhất quản lý về mặt nhà nước”, theo tờ trình của dự án.

Các bất cập còn thể hiện ở nhiều vấn đề khác, như quy trình xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật trong Luật hiện tại chưa có sự thống nhất, đồng bộ với quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều này khiến cho các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân gặp khó khăn khi xây dựng QCVN, quy chuẩn địa phương (phải thực hiện hai quy trình khác nhau). Bên cạnh đó, Luật hiện tại cũng chưa có quy định về đánh giá tác động khi xây dựng QCVN khiến cho một số QCVN sau khi ban hành không phù hợp trong thực tiễn áp dụng; chưa có quy định về trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp khẩn cấp vì an toàn, thiên tai, dịch bệnh; hình thức và nội dung thẩm định QCVN…).

Đáng chú ý, qua rà soát, có 5 trong tổng số 104 Luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, bao gồm: (1) Luật Khoa học và công nghệ, (2) Luật Dự trữ quốc gia, (3) Luật an toàn thực phẩm, (4) Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, (5) Luật Phòng cháy và chữa cháy. Theo ông Nguyễn Tùng – chuyên viên Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn ĐLCL, Bộ KH&CN), nội dung vướng mắc tập trung vào bảy vấn đề: trình tự thủ tục thẩm định ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến đối tượng, nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn, công bố sản phẩm, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy cho sản phẩm, quyền xuất bản, phát hành đối với tiêu chuẩn quốc gia, các khái niệm, thuật ngữ về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hoạt động của tổ chức chứng nhận sự phù hợp, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Đảm bảo sự thống nhất

Để giải quyết các vướng mắc trên, nội dung dự thảo sửa đổi Luật TC&QCKT tập trung vào sáu nhóm vấn đề lớn: (1) Thúc đẩy hội nhập quốc tế, triển khai đầy đủ cam kết quốc tế về minh bạch hóa; (2) Xã hội hóa hoạt động xây dưng, áp dụng tiêu chuẩn; (3) Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp; (4) Hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, căn cứ, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành TCVN, QCVN, QCĐP (quy chuẩn địa phương), nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở; (5) Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác tiêu chuẩn; (6) Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nhân lực hoạt động trong hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Oto Xe May VAP 5
Bên trong một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy. Ảnh: geleximco

Theo ông Nguyễn Tùng, để đảm bảo sự thống nhất với các luật có liên quan, dự thảo luật mới sẽ sửa đổi nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành QCVN cho đối tượng bí mật nhà nước để đồng bộ với Luật Dự trữ quốc gia; sửa đổi quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp đảm bảo sự đồng bộ với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; và sửa đổi quy định về hoạt động xuất bản, phát hành để đồng bộ với Luật Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, đối với Luật An toàn thực phẩm, cần sửa đổi nội dung liên quan đến công bố sản phẩm tại các văn bản hướng dẫn luật. Ngoài ra, hiện nay, theo Luật Phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy và chữa cháy được áp dụng bắt buộc (khoản 4 Điều 8). Tuy nhiên, theo Luật TC&QCKT, tiêu chuẩn lại được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện; và toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn cụ thể trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật. (Khoản 1 Điều 23). Do đó, “cần sửa đổi nội dung liên quan đến nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy để đảm bảo thống nhất với Luật TC&QCKT”, ông Tùng cho biết.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự án sửa luật là việc bổ sung quy định về Tổ chức công nhận quốc gia, Hội đồng công nhận quốc gia. Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, hoạt động công nhận là một phần quan trọng nhất của một quốc gia để đảm bảo chất lượng, năng lực và sự tin cậy của hệ thống đánh giá sự phù hợp – đảm bảo chất lượng của hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, chứng nhận và giám định, tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, hoạt động công nhận vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nếu xét theo Chỉ số Hạ tầng Chất lượng Toàn cầu (GQII), chỉ số hạ tầng chất lượng nói chung của Việt Nam năm 2020 là 54, và điểm số của các tiểu mục về tiêu chuẩn, đo lường và công nhận lần lượt là 64, 60 và 36. “Vấn đề mà chúng tôi thấy ở Việt Nam là các bộ, ngành hoạt động rời rạc, thiếu sự phối hợp hiệu quả. Bản thân cơ chế hiện nay cũng chưa thực sự khuyến khích sự phối hợp giữa các bộ quản lý chuyên ngành”, ông Kees R. Jonkheer – Chuyên gia quốc tế về Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Quốc gia của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại USAID TPF – từng cho biết tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và hạ tầng chất lượng quốc gia và kiến nghị cho Việt Nam” năm 2022. “Khi thực hiện các cuộc phỏng vấn trong dự án, chúng tôi có thể thấy sự chồng chéo trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp”. Ông dẫn ví dụ, doanh nghiệp có thể sẽ phải làm việc với rất nhiều bộ, ngành khác nhau và khi sản phẩm của họ được công nhận bởi Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA) thì đôi khi kết quả đó lại không được công nhận bởi một cơ quan quản lý nhà nước.

Theo kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Serbia, Singapore, Malaysia, việc thành lập Hội đồng công nhận quốc gia có thể góp phần đảm bảo hoạt động công nhận được tổ chức, hoạt động một cách thống nhất, bài bản nhằm nâng cao năng lực, chất lượng của các tổ chức công nhận. Theo cơ quan soạn thảo, việc quy định Tổ chức công nhận quốc gia, Hội đồng công nhận quốc gia không làm phát sinh bộ máy hành chính, biên chế. Hiện nay, Văn phòng Công nhận Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị công nhận có uy tín, năng lực (đã công nhận cho gần 1500 Phòng thí nghiệm, Phòng thí nghiệm Y tế, Tổ chức giám định, Tổ chức chứng nhận khắp cả nước) và đã tham gia hoạt động tại các Tổ chức Công nhận quốc tế và khu vực như Tổ chức công nhận Châu Á – Thái Bình Dương (APAC), Tổ chức Công nhận các phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC) và Diễn đàn công nhận quốc tế (IAF). Do đó, dự thảo đề xuất cơ quan này có thể trở thành Tổ chức công nhận quốc gia của Việt Nam.

Mỹ Hạnh – Hồng Quang

(Bài đăng ở báo Khoa học và Phát triển số 45)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *